Đức Ki-tô đã ra khỏi mồ - Tác giả: Xuân Tân Phong, Smcj

0
TIN BÀI KHÁC

Trong văn hóa tin vào thuyết luân hồi, người ta không có thói quen xây cất mồ mả. Vì việc xây mồ cũng giống như chuyện "chết là hết". Mồ mả trở thành một nơi ở vĩnh viễn, mà không có một niềm hy vọng sâu xa nào về thế giới bên kia - nơi mà đâu đó trong sâu thẳm con người vẫn cảm thấy rất cần. NGUỒN:


Một nhà học thuyết tôn giáo đã từng cho rằng: "Nếu Ki-tô giáo không có chủ trương vô căn cứ về Phục sinh thì có lẽ Ki-tô giáo đã phổ cập hơn rất nhiều!". Tuy nhiên, Giáo hội lại không ngần ngại khẳng định rằng, "nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì niềm tin của anh em thật hão huyền" và cũng chính nhờ niềm tin vào sự sống đời sau mới làm cho Giáo hội thật sự được lớn mạnh và duy trì cho đến tận hôm nay.

Hơn 300 năm từ thời Chúa Giê-su, Giáo hội đã chịu nhiều bắt bớ, gươm giáo từ đế quốc Rô-ma. Suốt dọc dài lịch sử từ đó đến nay, những con chiên của Chúa vẫn tiếp tục bước đi theo con đường của Thầy Chí Thánh - Đấng đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết trên cây thập giá và sống lại hiển vinh. Phải chăng niềm tin vào Chúa Phục sinh đã sản sinh ra niềm hy vọng lớn lao hầu nâng đỡ những ai đang lần mò bước theo dấu vết của Người. Như lời Thánh vịnh 23 đã viết: "Dầu qua thung lũng âm u, tôi sợ gì nguy khó. Côn trượng Ngài bảo vệ, tôi vững dạ an tâm."

Nấm mồ hình ảnh của sự chết, một biểu tượng của sự tuyệt vọng!
Trong văn hóa tin vào thuyết luân hồi, người ta không có thói quen xây cất mồ mả. Vì việc xây mồ cũng giống như chuyện "chết là hết". Mồ mả trở thành một nơi ở vĩnh viễn, mà không có một niềm hy vọng sâu xa nào về thế giới bên kia - nơi mà đâu đó trong sâu thẳm con người vẫn cảm thấy rất cần.

Không chút nghi ngờ, Đức Ki-tô đã từ huyệt mồ ấy đi lên. Khoảnh khắc ấy đã biến một nơi tuyệt vọng trở thành nơi tuôn ra suối nguồn hy vọng chắc chắn nhất. Nơi mà chúng ta biết không một ai sẽ tránh khỏi lại trở thành nơi cho một bắt đầu mới, một Vương quốc mới được mở ra. Thật không sai khi nói rằng, đức tin vào Thiên Chúa đã sinh chúng ta ra từ nấm mồ.

Một hình ảnh đặc trưng, một thông điệp hạnh phúc có trong Phúc âm theo Thánh sử Gio-an đó là sự sống vĩnh cửu. Sự sống ấy đã được ban tặng cho chúng ta như một tặng phẩm cao quý đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa không ban phát sự sống cho con người theo kiểu của một ông Vua rút ra từ gia tài quý báu của mình chút ít cỏn con rồi phân phát, bố thí cho kẻ bần cùng, đói lả. Để chúng ta có được sự sống vĩnh cửu, vị Chúa ấy đã chấp nhận bước vào thế giới, đón nhận những giới hạn trong thân phận làm người và chết như một con người phải chết. Ngài sẵn sàng vứt đi sự sống của Mình để con người được thừa hưởng và tham dự vào sự sống Thần linh ấy. Một Giê-su đó đã chết và đã phục sinh, đang sống và bước đi cùng với chúng ta. Đây chính là niềm vui đích thực, không có một thế lực nào của thế gian có thể lấy cắp được niềm vui vào niềm tin phục sinh.

Đức Ki-tô cũng không phải là một nhà lý tưởng vĩ đại đã hoạt động vào những ngày tháng xa xưa tại một đất nước nào đó trên thế giới. Ngày hôm nay, lúc này và tại đây Ngài vẫn tiếp tục sống với chúng ta "Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống" (Gioan 14,19). Mỗi một ngày trong cuộc sống thường nhật, ước gì chúng ta nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục sinh đang cư ngụ trong chúng ta, nhìn ngắm được công trình của Ngài và phó thác bản thân chúng ta cho kế hoạch của Ngài.

Maria Madalena đã gặp Ngài, các môn đệ cũng đã gặp Ngài và biết bao nhiêu vị thánh Tử đạo đã đổ máu ra cho một minh chứng tuyệt đối vào Chúa Ki-tô Phục sinh. Không ai giống ai, mỗi một chúng ta sẽ có những kinh nghiệm khác nhau về cuộc gặp gỡ này. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô Phục sinh luôn mang đến cho chúng ta những thay đổi đột phá, để trở nên một con người mới, một khí cụ mới trong tay Ngài. Cuộc gặp gỡ ấy cũng sẽ dẫn đưa chúng ta đến với những khoảng trời tự do đích thực.

Maria đã được ánh sáng Phục sinh chiếu dọi. Cuộc chạm mặt đầy kinh nghiệm cá vị với Thầy Giê-su đã đưa bà đi từ một tình yêu thuần túy nhân loại kiểu chiếm hữu "Chúa của tôi", đến một tình yêu lớn mạnh và tự do hơn để khẳng khái hô to: "Tôi đã thấy Chúa!". Bà đã nhìn thấy một vị Chúa vượt lên trên "vị Chúa của mình". Phê-rô cột trụ của Giáo Hội cũng đã gặp Ngài. Cuộc gặp gỡ giữa Ngài và ông đã biến đổi Phê-rô cách đầy ngoạn ngục. Từ một con người yêu Chúa bằng khả năng của mình "Dù cho tất cả có vấp ngã vì Thầy, con cũng sẽ không bao giờ vấp ngã", đến một con người nhìn nhận ra yếu đuối của mình và thưa lên: "Lạy Chúa, Người biết rõ mọi sự, Người biết con yêu mến Ngài". Tình yêu mà ông dành cho Thiên Chúa không còn bởi những khả năng riêng tư cố gắng của mình nữa, cho bằng niềm xác tín rằng "vì chính Ngài đã gieo tình yêu ấy trong trái tim con nên Ngài biết rõ con hơn con biết về mình!". Đức Ki-tô đã đến và chạm vào ông để chữa lành những thương tật tâm hồn, và ông được tự do khi quy hướng tất cả về Thiên Chúa!

Chúa Phục sinh 2024, Xuân Tân Phong, Smcj

To Top