Gặp Chúa Cha trong Thánh Kinh

0
TIN BÀI KHÁC


Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta thưa với Cha, nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp: "Ábba – Cha ơi" (Rm 8,14-15). Ước gì mỗi khi chúng ta cầu nguyện với Kinh Thánh, hãy dành chút giờ để tâm sự với Cha, đọc lại lời Kinh này để ước mong mình cũng được kết thân với Cha là Đấng ngự trên trời. Thốt lên được như thế nghĩa là tôi được đi vào mối tương quan thần linh giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, giữa Thiên Chúa và con người, giữa Cha và con. Nhờ đó, cánh cửa cầu nguyện được mở toang, được Thiên Chúa ra đón vào, để bắt đầu một hành trình kết thân, một cuộc đời của người con có Cha, một thành viên trong nhà của Cha.

NGUỒN:





Dongten.net – Nếu mở cuốn Kinh Thánh trọn bộ ra đọc, bạn chỉ gặp hình ảnh Thiên Chúa Cha trong Tân Ước. Thực ra đôi lần trong Cựu Ước có nói đến Thiên Chúa như người Cha (Tv 89, Gr 3,19, Tb 13,4). Số là suốt thời gian trước Chúa Giêsu, chúng ta chưa được mặc khải nhiều về Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ khi Đức Giêsu xuống thế làm người, Ngài mới thường xuyên nói về Thiên Chúa Cha. Hơn nữa, có thể nói hằng ngày Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha. Đây là điểm mấu chốt Ngài nhận ra Thánh Ý của Cha để chu toàn.

Chút chia sẻ dưới đây chúng ta tìm hiểu về Chúa Cha trong Kinh Thánh. Mục đích là để mỗi khi cầu nguyện, chúng ta cũng gặp Thiên Chúa Cha.

1. Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha
Lời nài xin trên đây thật dễ thương để chúng ta biết về Chúa Cha. Chúng ta biết Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha-Con-Thánh Thần. Chúa Con gần gũi nhất với mỗi người nơi khuôn mặt của Đức Giêsu Nazaret. Chúa Thánh Thần cũng tương đối cảm nhận được, vì Ngài đã đến trong ngày lễ Ngũ Tuần. (Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống). Như vậy chỉ có Chúa Cha là chúng ta cảm thấy xa cách. Không sao! Đã đến lúc ta tập để ý đến Ngài. Nơi dễ nhất để mỗi người gặp được Cha là Kinh Thánh. Nơi đây chúng ta không chỉ gặp được Đức Giêsu, nhưng còn gặp được chính Chúa Cha nơi Đức Giêsu: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9); "Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy" (x. Ga 12,45;14,7).

Làm sao để Giáo hội giải thích cho chúng ta hiểu được mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi? Thánh Xirilô thành Giêrusalem có thể giúp ta hiểu đôi chút về điều này: "Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần đổ tràn các hồng ân Thiên Quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng thương xót của Người, cả chúng ta là những con người, chúng ta cũng đã lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống đời đời." (Youcat 51).

Giải thích trên đây có lẽ cũng chưa làm cho bạn thỏa lòng. Thực tế là chúng ta phải khiêm tốn như lời thú nhận của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta: "Tôi không có tưởng tượng. Tôi không thể hình dung ra Thiên Chúa Cha. Tất cả điều tôi có thể thấy là Chúa Giêsu." Khi Mẹ gặp được Chúa Giêsu, Mẹ cũng gặp được hai Ngôi Vị còn lại.

Do đó khi đọc Kinh Thánh, thi thoảng chúng ta cũng hỏi Chúa Giêsu về Chúa Cha. "Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy" (Ga 14,6). Tôi tin Ngài cũng thích nói cho mỗi người về khuôn mặt của Chúa Cha. Trong Kinh Thánh đôi lần Ngài đã giới thiệu khuôn mặt ấy như:

・Người Cha yêu thế gian đến nỗi đã ban con một cho nhân loại (1Tm 2,4).
・Người Cha luôn muốn nói với dân qua người Con, là Đức Giêsu.
・Một người Cha luôn gần gũi với con người, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi.
・Người Cha nhân hậu đối với đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32).
・Người Cha chấp nhận để người Con đi vào con đường đau khổ.
・Đỉnh điểm là một người Cha hoàn toàn thinh lặng trước cái chết của người Con yêu dấu: Chúa Giêsu trên thập giá.
・Sau ba ngày sầu buồn ấy, Chúa Cha đã cho người Con sống lại. Từ đó, nhân loại được cứu độ.
・Rồi Người Cha ấy tiếp tục gửi Chúa Thánh Thần xuống, theo lời cầu xin của Chúa Con.

Vài liệt kê trên đây trong Kinh Thánh để chúng ta thấy Chúa Giêsu và Chúa Cha như hình với bóng. Nơi đâu bạn gặp được Đức Giêsu, chính lúc ấy Chúa Cha cũng ở với bạn. Bởi có lần Chúa Giêsu nói rằng: "Mọi sự Cha tôi đã giao phó cho tôi, và không ai biết rõ Người Con trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết rõ Chúa Con trừ Người Cha và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho." (Mt 11,27).

2. Xin chỉ cho chúng con đường về nhà Cha
Khi học giáo lý, chúng ta thấy việc sáng tạo thế giới có thể gọi là "công trình chung" của Ba Ngôi. Tuy nhiên, dấu ấn của Thiên Chúa Cha rõ nhất như là Đấng Sáng Tạo, Đấng Toàn Năng. Rồi dọc theo cuốn Kinh Thánh, chúng ta thấy Chúa Cha dường như "chỉ ở trên Thiên Đàng". Thực vậy Chúa Cha như là Đấng làm chủ Thiên Đàng. Giáo hội cũng tin rằng: "Thiên đàng nơi Chúa Cha đang ngự trị." Ngài mong chờ từng người được bước vào thế giới hạnh phúc ấy. Bằng cách nào?

Chúng ta biết: "Trong nhà Cha có nhiều chỗ ở, Thầy đi dọn chỗ cho anh em và Thầy đi đâu anh em biết đường rồi". Với lời này, ông Tôma hỏi: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường." (Ga 14,1-4). Hơn nữa, đường về nhà Cha xa tít mù khơi, chưa một lần đến chắc là khó khăn cho các môn đệ và cả chúng ta nữa. Thầy Giêsu trấn an khẳng định chính Thầy là con đường dẫn đến Chúa Cha. Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy. Bởi, "chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người." Ep 4,5-6).

Đây là dự án cứu độ của Thiên Chúa được nói đến trong Kinh Thánh. Từng câu chuyện và biến cố trong Kinh Thánh đều có sức cứu độ con người. Chúa Giêsu đã trình bày mọi cách để mong con người tin và yêu Thiên Chúa. Nhờ đó chúng ta được cứu độ. Theo ý nghĩa này, chính Chúa Giêsu là người chỉ đường, là con đường để chúng ta đi về Thiên đàng. Nếu không có Ngài, chúng ta rất khó về được nhà Chúa Cha. Thật may vì Chúa Giêsu luôn đi cùng với mỗi người trên con đường này: "Lạy Cha giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha... để tất cả nên một, như lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con." (Ga 17,1.21).

Để văn gọn, Giáo hội nhắc nhở con cái mình: "Học trường cầu nguyện của Chúa Giêsu nghĩa là đi vào sự tin cậy vô biên của Chúa, nối kết trong sự cầu nguyện với Người, để Người dẫn dắt, từng bước tới Chúa Cha." (Youcat 477).

3. Cầu nguyện với Chúa Kinh Lạy Cha
Truyền thống tu đức khuyên những người cầu nguyện: "để kết thúc cầu nguyện, có thể tâm sự với Chúa Cha, hoặc đọc Kinh Lạy Cha." Các ngài thấy Kinh Thánh cũng chính là lời của Chúa Cha. Hoặc nói nhu giáo phụ Tertulianô (thế kỉ II) coi Kinh Lạy Cha là "kinh tóm tắt toàn bộ Tin Mừng". Thánh Tôma Aquinô (thế kỷ XIII) gọi là Kinh Lạy Cha hoàn hảo nhất trong mọi Kinh. Do đó thật tốt để hướng tâm hồn lên với Cha, nhờ Chúa Giêsu. Nếu thực hành điều này, chúng ta sẽ cảm thấy Chúa Cha gần gũi hơn. Nhất là Kinh Lạy Cha rất quen thuộc để chúng ta đọc cho Cha nghe. Hơn nữa, đây chính là lời kinh Đức Giêsu dạy cho mỗi người ở trong Thánh Kinh[1].

Nếu những gì Đức Giêsu nói và làm để ứng nghiệm lời Cựu ước, thì riêng Kinh Lạy Cha, người ta hoàn toàn không thấy trong thời trước. Đó hoàn toàn mới đối với các môn đệ, với thời đại của Thầy. Dân chúng thời ấy không dám gọi tên Giavê, giới tư tế không dám dùng những lời thân mật với Đức Chúa của họ để xưng hô. Họ chỉ dám xưng với Đức Chúa bằng một Danh từ cực trọng mà không thể phát âm "YHWH". Nói chung dân Chúa thời Cựu ước luôn tâm niệm một điều rằng: "Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng." (Xh 21,7).

Khung cảnh khi Thầy dạy Kinh Lạy Cha trong Tin Mừng có phần khác nhau. Thánh Mát-thêu kể thầy Giêsu dạy Lời Kinh này trên ngọn núi thành Caphacnaum[2]. (tâm điểm của Bài Giảng trên núi). Còn ở đây thánh Luca cho thấy thầy Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện trên núi Cây Dầu. Dù sao ngọn núi hôm nay cho tôi nhiều tâm tình để lắng nghe thầy Giêsu dạy cầu nguyện với Chúa Cha. Theo thánh Luca thì trước Kinh Lạy Cha là câu chuyện Thầy trò Đức Giêsu vào nhà chị em Mác-ta để nghỉ ngơi sau những ngày vất vả dặm trường. Mácta tất bật chuẩn bị bữa ăn, Maria ngồi bên chân Thầy để nghe lời Người dạy. Thầy khen Maria đã chọn phần tốt nhất. Tôi muốn bắt chước Maria để ngồi bên chân Chúa cùng với các môn đệ nơi đây vào thời của Ngài, để lắng nghe Thầy dạy cách cầu nguyện với Chúa Cha[3].

Hôm nay, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta thưa với Cha, nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp: "Ábba – Cha ơi" (Rm 8,14-15). Ước gì mỗi khi chúng ta cầu nguyện với Kinh Thánh, hãy dành chút giờ để tâm sự với Cha, đọc lại lời Kinh này để ước mong mình cũng được kết thân với Cha là Đấng ngự trên trời. Thốt lên được như thế nghĩa là tôi được đi vào mối tương quan thần linh giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, giữa Thiên Chúa và con người, giữa Cha và con. Nhờ đó, cánh cửa cầu nguyện được mở toang, được Thiên Chúa ra đón vào, để bắt đầu một hành trình kết thân, một cuộc đời của người con có Cha, một thành viên trong nhà của Cha.

Chút chia sẻ trên đây hy vọng giúp chúng ta vui thích đọc những dòng Kinh Thánh cùng với Chúa Cha. Chính Ngài đang chờ mỗi người trong những câu chuyện Tin Mừng. Nới đó, mỗi người sẽ khám phá ra những thông điệp thú vị không chỉ đến từ Chúa Giêsu, từ Chúa Thánh Thần, nhưng còn đến từ Thiên Chúa Cha, là Đấng ngự trên trời.

Lời nguyện: Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng.Amen

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/kinh-lay-cha–46628

[2] Chúng ta không biết chính xác ngọn núi nào. Tuy nhiên hiện nay có hai địa điểm truyền thống cho rằng Chúa giảng Bài Giảng trên núi. Một là ngọn núi đối diện với nơi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều ở Tabgha (The church of the Primacy). Hai là, Nhà thờ Tám mối phúc thật cũng gần đó.

[3] Xem thêm:https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/den-nha-tho-kinh-lay-cha-41593

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

Tags
To Top